Khái quát về MTTQ Việt Nam
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì?
- "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."
Trong đó tổ chức chính trị là loại tổ chức xã hội mà các thành viên trong tổ chức hoạt động cùng về hướng về một khuynh hướng chính trị cụ thể. Tổ chức chính chị là Đảng cộng sản Việt Nam
Tổ chức chính trị -xã hội gồm các Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam
Tổ chức xã hội là một tập hợp gồm các cá nhân liên kết với nhau nhằm đạt được mục đích cụ thể, không nhằm mục đích lợi nhuận. Gồm các tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập theo quy định pháp luật.
2. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết Nhân dân; hỗ trợ nhân dân thực hiện dân chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thực hiện đường lỗi, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát triển đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ nhằm động viên mọi nguồn lực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Mặt trận Tổ quốc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật. Mặt trận Tổ quốc thực hiện phối hợp với chính quyền cấp xã tổ chức vận động Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước ở khu dân cư; chỉ đạo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân:
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân và tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.
- Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quyền và trách nhiệm của mình tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân, gửi tới Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương phối hợp cùng Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để báo cạo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp về những vấn đề của địa phương để gửi lên Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, sau khi tổng hợp thì sẽ được gửi lên Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cuối cùng sẽ được tổng kết lại và báo cáo tại kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
- Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia vào công tác bầu cử thông qua việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử.
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử đại diện tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì lựa chọn, giới thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm nhân dân theo quy định của pháp luật.
- Tham gia xây dựng pháp luật: Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh; tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp và pháp luật.
- Tham dự các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Ủy ban nhân dân.
- Tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Tham gia góp ý, kiến nghị với Nhà nước.
Thực hiện giám sát và phản biện xã hội:
- Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc giám sát nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể thông qua các hình thức giám sát khác nhau như nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức đoàn giám sát; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;…(Chương V Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)
- Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước. Nội dung phản biện xã hội bao gồm sự cần thiết; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính đúng đắn, khoa học, khả thi; đánh giá tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của dự thảo văn bản; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân, tổ chức. (Điều 32, Điều 33 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)
Hướng dẫn thực hiện Quy định của Ban Bí thư về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng
Đề cương tuyên truyền trong dịp tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021
Một số khẩu hiệu tuyên truyền trong nhiệm kỳ về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng